Tùy bút
.....................
Mỗi năm mỗi tuổi. Tết về, ngoảnh lại đằng sau thấy thêm cũng nhiều mà mất cũng lắm. Đặc biệt cứ vắng dần những bạn vong niên. Thời gian trôi qua, mọi người, cả già cả trẻ, hồn nhiên chơi với nhau mặn mà, đằm thắm, thích sẻ chia, không khoảng cách... Rồi bỗng một ngày một người ra đi. Cuộc sống xung quanh vỡ thêm ra những khoảng trống không
thể lấp...
Tôi là một người không còn trẻ. Nhưng ngay cả khi còn rất trẻ tôi đã thích "chơi" với những người già. Già hơn mình cả về tuổi đời, cả về sự trải nghiệm trong cuộc sống... Ngẫm ra, tôi học được rất nhiều điều từ những người bạn già ấy của tôi! Khởi đầu tôi muốn kể tới nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật là một người rất đặc biệt. Tuy chưa hẳn tất cả những cái đặc biệt của ông đã được người ta yêu người ta quí. Nhưng với những người thuộc thế hệ sau như chúng tôi, những người yêu mê văn chương và có thói quen phải kính trọng người lớn tuổi thì ông thực sự là một nhân vật đáng được trân trọng và quí mến!
Tôi vẫn nhớ ông hay dùng từ "mê đắm" trong các câu chuyện. Cái từ đó thấy hợp với ông một cách kỳ lạ. Chuyện văn chuyện thơ chuyện con người... ông hay dẫn mấy đứa chúng tôi xuống ăn ở căng tin Hội Sân khấu và nói chuyện. Nếu hôm nào trời mưa và hơi hơi tâm trạng ông sẽ kể chuyện các mối tình của mình cho chúng tôi nghe. Ông kể về những người phụ nữ thân thiết trong cuộc đời mình rất hay, hay hơn họ ngoài đời. Tôi biết ông cũng được nhiều người yêu. Có người hy sinh cho ông nhiều. Ông luôn tỏ ra biết ơn họ về điều đó. Thế nhưng cũng có cái Tết tôi biết ông đã đón năm mới ở căn phòng làm việc của mình, trên tầng 6 của Hội Sân khấu, 51 Trần Hưng Đạo... Vốn đa tình, thi thoảng muốn tán tỉnh ai nữa mà không được, ông lại cười nhẹ và nói đùa đùa nhưng nghe cũng buồn buồn. "Anh bây giờ chỉ có trẻ con và các bà già yêu thôi em ạ"! Đó là khi ông sắp bước sang tuổi 60.
Ông say sưa với bạn bè, với các mối tình và rất yêu công việc. Làm tổng biên tập tạp chí Diễn đàn văn nghệ trong nhiều năm, Phạm Tiến Duật có một mạng lưới cộng tác viên dày dặn và tên tuổi. Loại lính ti toe mới viết báo như tôi tuy hay qua chỗ ông đặt bài đặt vở luôn đấy mà chưa dám mở miệng xin được gửi bài. Quen ông hơn 1 năm, có lần ông bảo: - Tuyết Lan viết bài gửi anh nhé! - Vâng! - Viết chân dung văn nghệ sĩ. Tuần sau đưa anh. - Vâng! Em sẽ viết.
Tuần sau đúng hẹn tôi đưa ông bài viết về nhà điêu khắc Lê Liên. Ông cầm bài viết đánh máy, đọc một mạch và nhìn tôi hơi ngơ ngác. -Em viết à? - Vâng. Cần sửa gì không anh? - Không. Chẳng sửa gì cả... Rồi ông lẩm bẩm: Cái mặt trông đần thế mà văn chương thì sang trọng. (Nghe mà sướng!). Từ đó tôi hay được ông giao nhiệm vụ viết chân dung các văn nghệ sĩ để đăng vào tạp chí của ông. Nhuận bút không hề cao vì tạp chí bán không chạy nhưng tôi vẫn rất sung sướng được viết bài đưa ông. Được nghe ông khen chê, bổ sung, biên tập là chính. Tôi mặc nhiên coi ông là thầy giáo dậy văn của mình! Thật là một điều may mắn!
Thời gian sau ông khuyến khích tôi làm thơ. Ông kể chuyện tôi nghe về nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có mấy "thằng" (đấy là lời Phạm Tiến Duật) mê thơ trong đó có Nguyễn Quang Thiều đưa anh xem mấy bài thơ của chúng nó và hỏi anh đứa nào trong bọn em làm thơ được. Anh mang về đọc và hôm sau trước cả mấy thằng, anh chỉ thẳng vào Nguyễn Quang Thiều tuyên bố: Thằng này tiếp tục làm thơ. Mấy thằng kia về làm việc khác. Mà anh quyết định đúng đấy em ạ. Thiều nó giỏi lắm. Anh rất quí trọng nó!
Thật tôi nghĩ mình chẳng biết làm thơ. Nhưng được đàn anh "ưu ái" thì phải cố. Tôi làm một bài, anh gửi sang tờ Văn nghệ trẻ lúc đó nhà thơ Bế Kiến Quốc làm chủ biên. Hôm báo ra anh Duật gọi tôi đến đưa báo mới và nói: Bế Kiến Quốc khen em đấy. Nói em làm thơ có lý trí. Đàn bà làm thơ kiểu ấy hiếm. Quốc bảo em làm thêm mấy bài nữa để anh viết bài giới thiệu trên tờ văn nghệ trẻ. Tính tôi vốn lười. Vả lại vẫn nghĩ thơ là một lĩnh vực vô cùng cao siêu và khó nhá nên lần lữa, làm thêm được hai bài nữa, kịp gửi anh cái ảnh chân dung của mình thì nhà thơ Bế Kiến Quốc hồi đó bị bệnh mất. Trước hôm đưa tang nhà thơ Bế Kiến Quốc, anh Duật gọi điện rủ tôi: Anh biết em chưa gặp anh Quốc bao giờ nhưng mai em tới cơ quan anh đi viếng anh ấy cùng mọi người nhé!. Tất nhiên là tôi vâng ngay. Hôm ấy về, lúc mấy anh em ngồi với nhau, anh Duật nói với tôi một câu mà tôi rất nhớ: Anh em mình, đã chơi với nhau thì bây giờ hay sau này cũng vậy, lúc vui thì thôi, lúc buồn nhớ đến nhau em nhé!
Quen anh vẻn vẹn có mấy năm. Mấy năm sau bận bịu chuyện gia đình không gặp lại nữa tới lúc anh ốm đau thăm anh được đôi lần rồi anh qua đời. Vì bệnh trọng. Thế là tôi mất đi một người bạn lớn!
Mới đây thôi, đầu tháng 10 âm lịch, Hoàng Hồng Cẩm ở tuổi 53 cũng đã ra đi. Người hoạ sĩ tài hoa, lắm trò nhiều tích, sợ buồn, sợ cô đơn, thèm bạn bè, thèm tâm sự chỉ trong một ngày đã triệu tập đủ rất nhiều người thân, rất nhiều bè bạn, cả các bậc cao niên và những người yêu quí tài năng của anh. Đưa Cẩm về quê ở làng Đa Ngưu, Hưng Yên rồi, bạn bè Cẩm chẳng ai muốn về ngay. Ngồi lại với nhau từng đám, nhắc lại những câu chuyện giờ đã thành kỷ niệm. Mà chuyện về Cẩm thì biết bao giờ hết. Bởi con người với cá tính kỳ lạ ấy luôn gây ấn tượng mạnh với tất cả mọi người. Nhưng dù Cẩm có nổi tiếng là duyên, là quậy, là quan họ xịn, là thế nào chăng nữa, mọi người vẫn nhắc đến nhiều hơn, ca ngợi nhiều hơn những bức tranh của anh. Cẩm là người lao động miệt mài. Anh vẽ bất kể lúc nào, bất kể tâm trạng ra sao... Vẽ xong phần nhiều sơn chưa khô đã có người đến lấy. Có lần tôi hỏi sao anh không làm triển lãm. Anh bảo còn tranh đâu mà làm triển lãm. Anh bán hết rồi. Bán còn đỡ chị Vân lo cho con chứ. Nhưng có một bức tranh anh để ở nhà rất lâu. Tôi chưa thấy anh tự khen mình bao giờ nhưng với bức tranh ấy, Cẩm tỏ ra xúc động dạt dào. Anh gọi tôi sang để khoe. Kéo ghế cho tôi xong anh loay hoay rất lâu tìm góc đặt tranh cho đúng ý. Rồi cứ thế ngồi ngây ra ngắm bức tranh, hồi sau thì khẳng định dứt khoát. " Anh sẽ không bao giờ bán cái này. Ai giả bao nhiêu cũng không bán. Anh sẽ để cho con gái. Cho con Nương, em ạ. Anh thích cái này quá!...". Bức tranh vẽ một cô gái mặc áo trắng, nâng trên tay con chim bồ câu trắng. Con chim sắp bay lên. Bay theo hướng nhìn cô gái... "Thánh thiện quá anh ạ!". "Ừ. Tối qua anh đi xem vở kịch hang Tám cô của Quang Vinh, em Nguyễn Quang Lập. Kịch hay quá Lan ạ. Anh vừa xem vừa khóc. Về anh vẽ cả đêm... Giờ mệt quá! Người anh nó cứ bã ra!". " Em về để anh nghỉ nhé?". "Không. Để anh gọi Củng Lợi tới hát. Anh sẽ hát quan họ cho "em tôi" nghe. Quan họ vào là anh hết mệt! "...
Uống, vẽ, hát... Rồi lại uống, hát và vẽ... để say, để sống, để vui đời - Đó là Cẩm!
Bây giờ mọi người ngồi với nhau hay nhắc đến Cẩm, hay kể chuyện về Cẩm. Cẩm mất rồi mọi người lại càng thông cảm, càng quí mến anh. Những bức tranh của anh càng được trân trọng, giữ gìn... Cả đời anh - một "phó thường dân" (anh nhận thế!) thứ thiệt, chẳng cấp chức, bổng lộc gì, dù đã đi xa rồi vẫn được mọi người nhắc đến với sự chân thành. Khác với bao người tuy có vai có vế, vẫn còn sống đấy mà nhắc tới người ta chỉ muốn gạt đi. Như vậy Cẩm chắc chắn không phải là người cô đơn như anh thường tưởng thế!
........................
Tác giả: Trần Tuyết Lan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét