Được tạo bởi Blogger.
RSS

Nghe Thạch Lam hát......

Trần Tuyết Lan.
......................
"Và ai bỗng cất lên tiếng hát". Có một câu thơ như vậy. Đúng là "bỗng"! bởi người nghe khi ấy như tình cờ được quà. Và người hát cũng như được cởi lòng. Cảm giác thật đẹp. Người hát cứ hát. Người nghe cứ nghe. Như giãi bày. Như tâm sự. Như sẻ chia. Cả hơn thế nữa! Mà ở đâu chứ? Trên sân cỏ - nơi chiều là sân bóng, đêm là sân nhạc. Chỉ một cây ghi ta thùng với một giọng hát êm, đằm, ấm, khoẻ, thêm một đám bạn đang tâm trạng ngồi quanh, thế đã thành cả một liveshow sinh viên đầy cảm hứng. Thật vô tư và hồn nhiên với hàng tràn những "Hạ trắng", "Tuổi đá buồn", "Diễm xưa", "Biển nhớ"... cứ thế kéo đến 3h đêm vẫn như là chưa đủ, là chưa thể dừng. Mà dừng sao được khi tiếng hát ấy càng về đêm càng lắng, càng sâu, càng vang, càng như vô tình quyến rũ lòng người!


          Có một thời như thế! Cái thời trường III (ĐHSPNN) còn sân cỏ. Không phải cái sân cỏ chỉn chu, ngay ngắn dùng làm sân bóng bây giờ. Là cái sân cũ mà ngang qua nó, người ta có thể đi tắt sang trường I (ĐHSP). Với lứa sinh viên những năm 80, sân cỏ đó đã khởi đầu cho một cái tên vang mãi tiếng tài hoa: Thạch Lam - nghệ sĩ sân cỏ, Thạch Lam - nghệ sĩ lãng du, Thạch Lam - hát rất hay... và không chỉ thế! Trong suốt những năm ấy, rất nhiều đêm trăng và cả những đêm không trăng, có lẽ chỉ trừ những đêm đông quá rét, sân cỏ này đã từng là nơi Thạch Lam dốc lòng dốc dạ với bạn bè. Anh hát. Hát hết bài này sang bài khác. Hát không biết mệt. Hát quên cả đói. Có khi còn ng he "Im đi. Im đi cho bọn ông ôn" - là ôn thi. Nhưng im được sao?... Sau thì những phòng ôn thi ấy đèn đóm cứ tối dần và dưới sân dần chật lại. Những dáng ngồi lặng lẽ, thỉnh thoảng rộ lên tiếng vỗ tay. Thạch Lam hạnh phúc. Anh ôm đàn say sưa nhìn các bạn. Có vẻ như rồi anh sẽ hát cho đến khi không còn hơi để hát. Đến tận khi thẳng bạn thân (dù bụng cũng đang réo) chạy vội ra khu chợ Xanh mua về cho tô phở. Một tô phở muộn trong đêm vào những năm 80 ở đường Cầu Giấy. Nó sẽ ngon hơn rất nhiều những tô phở sau đó trong đời.

           Những bộ phim Liên Xô với cảnh các đoàn tàu đêm chở lính ra mặt trận trong tiếng ghi ta bập bùng luôn là hình ảnh đẹp và lãng mạn trong tâm trí Thạch Lam cũng như bạn bè anh thưở ấy. Cái thưở những bộ phim, những bài hát Nga đã ăn vào máu cả một thế hệ. Thế chăng, nên các chàng sinh viên Hà Nội rất thích đàn hát trên những chuyến tàu đi Hương Canh, Hải Phòng, Nam Định... để những gương mặt con gái dịu dàng như nàng Natasa của nước Nga cứ bỗng lại đỏ lên, chẳng hiểu vì đâu... Có lần trên đường nhẩy tầu về thăm mẹ, Thạch Lam ôm theo cây đàn và mê mải hát. Đã gọi là sinh viên về với mẹ thì trong túi có khi không đủ cả tiền mua vé. Thế nhưng những người lính nghe anh hát trong chuyến tầu ấy dù cố giúi chút tiền vào túi anh cũng không được. Anh cứ hát - tiếng hát bay theo nhịp lắc lư của con tầu. Đường về Thành Nam chợt ngắn. Cả đoàn lính ngơ ngẩn. Họ phải về tận Đồng Hới. Quãng đường còn lại sẽ rất dài. Thạch Lam hiểu. Anh ôm đàn xuôi theo họ. Đến tận khi chia tay những người lính ở ga Đồng Hới, anh mới lên tầu quay trở về nhà.
           Anh vốn chưa bao giờ định làm ca sĩ theo đúng cái nghĩa chuyên nghiệp của nó. Bởi Thạch Lam chỉ thích hát cho những người anh yêu mến trong một không gian nhỏ và ấm cúng. Tất nhiên không thể thiếu cây đàn ghi ta. Bây giờ người ta gọi anh là người hát salon, là một thầy giáo biết hát, và hát hay! Thế với anh đã là đủ... Để những ngày buồn, nhớ quay quắt mùa đông Hà Nội, ở nơi phố biển lại có một người thầy lại ôm đàn lại hát "Phố nghèo xưa. Mái ngói nghèo xưa. Phố mờ sương. Mái ngói mờ sương... Phố buồn nâu. Mái ngói buồn nâu. Cà phê đắng rơi từng giọt nâu buồn.., Ở nơi ấy tôi còn nhớ bạn bè xưa. Dòng máu sĩ bao người đi không về... Nói gì đâu có nói được đâu. Mà xa quê tóc ngả hai màu... ". Tôi chỉ có thể nói rằng với "Phố nghèo" ấy của Trần Tiến, khó ai có thể lấy nhiều tình cảm của người nghe được bằng Lam./.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

2 nhận xét:

Unknown nói...

Cám ơn bạn đã có một bài viết hay đến thế, về anh Thạch Lam. Có những chi tiết, mà mình, vừa học cùng trường, vừa là đồng hương Nam Định, mà đến nay mới biết. Mình cũng cùng cảm nhận, mà không viết lên được ha như thế, thật như thế...

quynh lien nói...

Cảm ơn bạn về bài viết. Mình ở trường 1 (ĐHSPHN) , vốn là bạn hát của Lam. Lâu quá mình không biết tin tức của Lam và cũng không liên hệ được. bạn có thể cho mình xin địa chỉ, số điện thoại của anh ấy được không ? Nếu được, bạn gửi cho mình theo địa chỉ lienquynhhatrang@gmail.com nhé. Hoặc bạn cho mình địa chỉ email của anh ấy cũng được. Mình cảm ơn bạn rất nhiều. Chúc bạn luôn khỏe,vui và hạnh phúc.

Đăng nhận xét