Câu chuyện thứ nhất
Sao lại bỏ đi văn hóa “ruột” của mình?
Tôi sinh ra ở Huế, theo gia đình sang Pháp từ nhỏ. Bao năm sống tại nước ngoài nhưng tôi nhất định không nhập quốc tịch Pháp. Những tinh hoa của văn hóa Pháp, tôi cố gắng lĩnh hội càng nhiều càng tốt. Mỗi lần được tới một đất nước nào, tôi tự cho là mình đã có thêm một nền văn hóa mới. Và dù rất hiểu, rất thông cảm với văn hóa các nước, tôi vẫn rất rắn trong việc đòi hỏi những người nước ngoài phải đối xử công bằng với văn hóa nước mình. Ví như tôi rất ghét khi ra nước ngoài, tên tôi bị xáo trộn. Tôn Nữ Thị Ninh sẽ thành Ninh Nữ Thị Tôn, thậm chí có lúc tệ hơn. Và họ chỉ thích lôi cái họ của tôi ra để gọi thôi. Cho nên, nếu người nước ngoài đến Việt Nam làm việc với tôi, họ cũng phải “nhập gia tùy tục”. Tôi đề nghị họ gọi tôi là “Bà Ninh”. Đơn giản thế!
Tôi có quen một cô bạn người Việt Nam, con một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc. Cô ấy sau khi sang Mỹ được vài năm đã in card ghi danh chỉ có họ và một cái tên Tây mới đặt. Không có dấu vết gì của cái tên riêng mà cô đã được gọi từ khi lọt lòng. Cô còn có ý nhờ tôi đổi hẳn tên Việt Nam đầy đủ của cô sang cái tên mới đó trên giấy tờ hợp pháp. Tôi nói, tôi chịu thôi. Và tôi thấy cô ấy sao mà kém cỏi quá! Nếu thấy cần, cô ấy vẫn cứ giữ cái tên gốc của mình rồi cộng thêm cái tên Tây nào nữa cũng được, sao phải bỏ hẳn đi tên gốc?!... Nhớ hồi tôi làm đại sứ ở Bỉ, trong buổi họp mặt các gia đình có con nuôi là người Việt Nam, tôi xúc động vô cùng vì không ngờ có tới 90% số gia đình đó có nhu cầu cho con họ được học nghiêm chỉnh tiếng Việt Nam. Và nói sau này khi bọn trẻ lớn, họ sẽ đưa chúng về thăm quê hương. Con của họ sẽ được giáo dục bởi hai nền văn hóa: văn hóa Việt, văn hóa Bỉ.
Vậy thì, có nên chăng, những người đã từng sống bao năm ở quê hương, đã từng được quê hương nuôi ăn, nuôi học tới trưởng thành, mới xa quê hương có vài năm đã vội nhân nhượng để nền văn hóa mới bào mòn, đè bẹp dần nền văn hóa cũ, vốn là gốc rễ của mình.
Câu chuyện thứ hai
“Người Việt Nam ăn đồ Việt Nam”
Tôi ngại quá khi thấy tầng lớp trung lưu và thanh thiếu niên ở Việt Nam cứ say sưa với những món ăn nhanh của Tây: những humberger, bittêt, gà rán kiểu Mỹ, mì kiểu Ý… Tất nhiên là những món đó cũng ngon thôi, nhưng có nhất thiết phải đều đặn đưa nhau tới những nơi đó hết ngày này sang ngày khác. Ngoài lý do được thưởng thức các món ăn lạ trên thế giới, còn lý do nào khác?
Có lần tôi nghỉ tại một khách sạn ở Vũng Tàu. Khách ăn sáng hôm đó ở khách sạn có cả khách ta, khách Tây. Bàn ghế, bát đĩa đương nhiên là đẹp rồi, rất có gu, sạch sẽ. Nhưng món ăn hôm đó họ đưa lên để phục vụ khách thì tôi chịu, không thể dịch được cho mấy người nước ngoài đó là món gì và của nước nào. Một Ýt bún trong một bát nước dùng trong suốt, vài lát giò heo. Hết! Malai chẳng phải. Inđô không. Tây chẳng ra Tây, Tầu chẳng ra Tầu. Mà suốt từ đầu tới cuối, nhân viên phôc vụ rất chu đáo, tỉ mỉ. Tôi thấy tiếc quá. Sao những món ăn sáng ngon tuyệt vêi như những tô phở ngoài Bắc, những mẹt bánh cuốn Thanh Trì, những hàng bún nem, bún chả , những bát bún thang, bún xáo, những bát hủ tiếu, những đĩa bánh xèo… lại không có được một không gian thoáng rộng và sang trọng như ở đây. Sao không có được một cách thức phục vụ ân cần như ở đây? Giá có thể đánh đổi, tôi chắc phần đông những người đang mời gọi nhau tới các quán ăn nhanh kiểu Tây kia sẽ có nhiều lúc muốn tới những địa điểm mới. Ở đó họ sẽ vừa được ăn ngon những món quen thuộc, vừa được một địa điểm văn minh, lịch sự để có thể giao lưu, trò chuyện. “Người ta đến nhà thờ đâu phải chỉ để thờ Chúa”! Tôi mong ở Việt Nam sẽ có nhiều hơn những nhà doanh nghiệp mở ra các tiệm ăn sáng ăn nhanh chuyên nghiệp, tuy là quà sáng nhưng được bán cả ngày: từ 6h sáng tới 11h đêm. Và chỉ cần chuyên bán bánh cuốn, nhưng chỗ ngồi phải rất mốt (mode), rất sì-tin (style). Như thế là chúng ta đã nâng tầm cho những món ăn đã được liệt vào hàng văn hóa ẩm thực của dân tộc. Tôi rất nể cái anh cà phê Trung Nguyên và Phở 24 ở lĩnh vực này.
Câu chuyện thứ ba
Có phóng viên
thừa “năng động”, thiếu chín chắn!
Có một tối khá muộn, tôi đang ngồi nghỉ ngơi thì nghe có tiếng chuông điện thoại. Nhấc máy lên thì biết đó là cuộc gọi của một phóng viên nữ. Cô giới thiệu rất sơ lược, đủ để tôi biết cô đang làm cho một tòa báo và nói mong tôi trả lời phỏng vấn 2 câu để cô cho vào bài vào số báo ngày nai. Thực sự là tôi rất ngỡ ngàng. Cô chưa hề giới thiệu với tôi cô là ai? Ai cung cấp cho cô số điện thoại riêng của tôi? Bài viết đăng tải sẽ có nội dung gì? Và làm sao ai dám chắc những câu trả lời của tôi (nếu có) sẽ được truyền đạt trên báo một cách chính xác và đúng đắn. Còn cô mặc nhiên coi tôi như một cái máy. Bấm nút là sẽ có câu trả lời… Tất nhiên là tôi từ chối. Tôi nói, nếu muốn, mời cô tới gặp tôi. Chúng ta sẽ ngồi đối thoại và nếu cô khiến tôi tin tưởng, tôi sẽ cung cấp cho cô những thông tin cô cần…
Một buổi chiều cuối năm bận rộn của bà với những người khách mới. Những câu chuyện dừng. Và tôi bắt đầu nghĩ…
.......................
Tác giả: Trần Tuyết Lan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét