DÙ THẾ NÀO, TÔI VẪN VIẾT.......
Có một hiện tượng văn học nổi lên sau chiến tranh. Đó là sự xuất hiện của một loạt cây bút nữ: Phan Thị Vàng Anh. Y Ban. Võ Thị Hảo... và Võ Thị Xuân Hà. Với Võ Thị Xuân Hà, tôi biết người trước, sau mới đến văn. Tôi ấn tượng ngay với truyện ngắn "lúa hát" của chị. Rồi đến "Đàn sẻ ri bay ngang trời","cây bồ kết nở hoa"... Tôi thích những người đàn bà mang các tính cách khác nhau ấy, và lạ là giọng văn của chị khắc hoạ hình ảnh từng người cũng khác nhau. Dường như trong mỗi tác phẩm, chị đều kỳ công tìm được một giọng điệu riêng, một cách tiếp cận riêng cho thật phù hợp với cốt truyện và tâm lý nhân vật. Là con gái một gia đình có bố mẹ tập kết, cuộc sống của chị sớm lênh đênh, vất vả. Có lẽ vì thế, những câu
chuyện của chị thường mang dư âm đau xót của chiến tranh. Ngày bé, chị không có một cái làng cụ thể hay một góc phố thật riêng để sống, để thương, để nhớ. Lúc trên rừng, lúc gần biển, nào nông thôn, thành phố... để đến những nhân vật nữ trong truyện của chị cũng mang cảm giác bất an. Họ thường được chị cho đi lang thang, chí ít là trên các dãy phố dài dằng dặc. Vậy nhưng cá tính họ mạnh mẽ vì từng trải và tất cả đều đáng yêu! Những vụ li dị hay ngoại tình trong truyện chị rất hiếm. Dẫu đề tài đó đã giúp nhiều nữ văn sĩ nổi danh. Cũng dễ hiểu, bởi thật dễ dàng tìm được sự đồng cảm nơi người đọc bằng những gì họ viết ra từ sự bức xúc của chính mình. Chị khác. Chị gặp gỡ những người đàn bà, cảm nhận, tái hiện và chuốt gọt hình ảnh của họ bằng trí tưởng tượng sao cho thật nét và tinh tế. Cũng không phải không thấp thoáng đâu đó hình ảnh của chị. Dù chị đã từng nói, những gì là máu thịt của mình thì không thể đem làm trò cho người khác. Nhưng đã cầm đến cây bút, đã để tình cảm tràn lan trên trang giấy thì tránh sao khỏi bộc lộ những nỗi niềm riêng, mà chính người viết nhiều khi không nhận rõ. Thì đấy! Ở chị luôn lẫn lộn một con người của thực tế và một con người của những cảnh, những tình trong tiểu thuyết. Có thể vì khi còn rất nhỏ, chị đã là một con mọt sách. Với chị, sách luôn là người bạn tốt nhất, chân thành nhất và biết cách an ủi chị nhất. Rất tự nhiên, rất hợp lý, hầu hết các nhân vật nữ của chị cũng vậy. Mong manh giữa mọi ảo thực trong đời.
Với tình yêu, chị đã yêu là hết lòng hết dạ, yêu đến cháy. Có thể quên đi mọi tính toán, hơn thiệt để mà yêu. Yêu một và chỉ một người ấy mà thôi. Nhưng đôi khi chỉ vì chút vụng về, khờ khạo, người ta đã cố vin vào đấy để quên đi hết thảy. Cầu toàn đến thế thì chẳng dại dột cũng là bội bạc. Chị tiếc gì? Ừ thì không tiếc. Nhưng cũng buồn lắm! Có điều, chị cũng như những người đàn bà trong truyện của chị, luôn biết cách tự an ủi và xoa dịu chính mình.
Có một lần, tôi vô tình ngồi cạnh một nhà văn nổi tiếng. Sau một hồi bàn luận về tác phẩm của các nhà văn nữ, ông nói: “Giới nữ văn sĩ Việt Nam rặt những chị bị chồng chê, chồng bỏ. Và để chứng tỏ với thiên hạ rằng mình không vớ vẩn thì cố loi nhoi viết lách…”. Nghe mà kinh! Bởi ông không đùa. Ông nói cái giọng rất khúc triết đã được đúc kết kỹ càng. Tôi bất bình, đương nhiên. Vì tôi vốn dị ứng với những câu nói nghiệt ngã về thân phận đàn bà. Mà sao một nhà văn tài danh như ông lại có cái giọng chẳng văn chút nào thế! Đành rằng tôi không bênh ai, cũng không lên án cách nhìn nhận của một giới nào. Có ai tự cho mình là sai bao giờ. Cũng chẳng ai nghĩ rằng mình không tốt. Có điều, chắc ông cũng nghĩ: Vượt lên mọi khổ đau, bất trắc để thành công, đó là điều không dễ dàng với bất kỳ ai.
Flôbe từng nói: “Cuộc sống của người nghệ sĩ chân chính không thể dung nạp nổi đời sống gia đinh”. Có lẽ chị không cho là thế! Có người đàn bà nào lại không mong muốn một bờ vai yên ấm để yêu thương và tin cậy. Vì thế, sau rất nhiều đổ vỡ, sau rất nhiều thất vọng, chị vẫn tiếp tục yêu đời, yêu người, vẫn tiếp tục viết văn…
..................
Tác giả: Trần Tuyết Lan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét